Đèn làm móng gel có thể "hủy hoại" làn da như thế nào?

12/07/2025, 20:59
Những chiếc đèn UV dùng trong làm móng gel có thể khiến làn da của bạn tổn thương nghiêm trọng hơn bạn nghĩ - từ lão hóa sớm, da không đều màu đến nguy cơ gây ung thư.
Đèn làm móng gel có thể "hủy hoại" làn da như thế nào?
Ảnh minh hoạ.

Tia cực tím - "thủ phạm giấu mặt" trong buồng đèn làm móng

Theo nghiên cứu do tiến sĩ María Laura Dántola (Viện INIFTA, Argentina) dẫn đầu, nhóm chuyên gia đã đưa các phân tử da phổ biến như enzyme tyrosinase vào buồng chiếu mô phỏng tương tự đèn làm móng ngoài đời thực. Chỉ sau chu kỳ chiếu bốn phút - đúng bằng thời gian một lần sơn gel thông thường, các phân tử đã bị biến đổi về mặt hóa học và giảm khả năng thực hiện chức năng bảo vệ da.

Tyrosinase là enzyme đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất melanin - sắc tố giúp làn da chống lại bức xạ mặt trời. Khi tiếp xúc với tia UV từ đèn làm móng, enzyme này phản ứng nhanh bất thường, khiến quá trình sản xuất melanin bị gián đoạn. Hậu quả: da có thể bị xỉn màu, lão hóa sớm và dễ tổn thương hơn dưới ánh nắng.

Tác động cộng dồn nguy hiểm

Một nghiên cứu độc lập tại Mỹ vào năm 2023 từng cảnh báo: chỉ sau 20 phút tiếp xúc với đèn làm móng, khoảng 70% tế bào da bị tiêu diệt, phần còn lại để lại các đột biến vĩnh viễn - những tổn thương không thể tự hồi phục. Thực tế, người dùng móng gel thường quay lại salon 2-3 tuần/lần, khiến làn da liên tục bị phơi nhiễm tia UV trong thời gian dài.

Không giống những vết thương ngoài da có thể liền sẹo, các tổn thương do tia cực tím gây ra thường âm thầm tích tụ và khó phục hồi. Nguyên nhân là vì tia UV kích hoạt stress oxy hóa - một dạng tổn thương tế bào, đồng thời làm đứt gãy chuỗi ADN, ảnh hưởng đến khả năng tái tạo và bảo vệ của da về lâu dài.

Có thể làm móng an toàn hơn không?

May mắn là bạn vẫn có thể bảo vệ làn da mà không cần “chia tay” với móng gel. Học viện Da liễu Hoa Kỳ khuyến cáo nên bôi kem chống nắng phổ rộng (SPF 30 trở lên) lên mu bàn tay trước mỗi lần làm móng. Ngoài ra, hãy ưu tiên sử dụng đèn LED thay vì đèn UV truyền thống, vì loại đèn này phát ra ít tia cực tím hơn và giúp làm khô móng nhanh hơn.

Một mẹo nhỏ khác là sử dụng găng tay chống nắng chỉ hở phần móng – phụ kiện này có thể ngăn đến hơn 90% lượng tia UV tiếp xúc với da tay. Bên cạnh đó, nên giãn cách ít nhất một tháng giữa các lần làm móng để hạn chế tích lũy tổn thương da. Nếu có thể, bạn nên chọn loại sơn gel “lai” khô tự nhiên hoặc khô dưới ánh sáng xanh để giảm thiểu tối đa việc phải dùng đến đèn UV.

Dù áp dụng phương pháp nào, đừng quên kiểm soát kỹ thời gian chiếu sáng, dưỡng ẩm da tay sau khi làm móng và theo dõi các dấu hiệu bất thường trên da để kịp thời xử lý.

Bình luận (0)

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Bạn có thường bắt đầu ngày mới với một ly cà phê mang đi trong cốc nhựa, hay tối về với hộp xốp đựng cơm nóng hổi? Tiện lợi là vậy, nhưng ít ai ngờ rằng, những vật dụng nhựa dùng một lần tưởng chừng vô hại này lại đang âm thầm đe dọa sức khỏe chúng ta mỗi ngày, chưa kể đến gánh nặng khổng lồ cho môi trường.