Từ mùa thu năm 2025, gần 2,5 triệu học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12 tại New York (bang lớn nhất nước Mỹ) sẽ không được sử dụng điện thoại trong các trường công lập, bao gồm cả giờ ăn trưa và giải lao, trừ trường hợp được giáo viên cho phép. Đây là một trong những động thái mạnh mẽ nhất của Mỹ nhằm đối phó với sự phụ thuộc vào công nghệ trong giới trẻ.
Theo Báo cáo Giám sát Giáo dục Toàn cầu (GEM) 2023, có 24% trong số 211 hệ thống giáo dục được khảo sát đã ban hành lệnh cấm điện thoại trong trường học. Tỷ lệ này tăng lên 31% vào tháng 7/2024 và dự kiến tiếp tục tăng khi nhiều quốc gia đang cân nhắc hành động tương tự.
Tại Pháp, học sinh không được phép mang điện thoại vào trường, trừ trường hợp đặc biệt như học sinh khuyết tật. Bangladesh cấm cả giáo viên và học sinh sử dụng điện thoại trong lớp. Uzbekistan chỉ cho phép dùng điện thoại trong trường hợp khẩn cấp.
Một số quốc gia như Scotland, Hà Lan và Tây Ban Nha giới hạn việc sử dụng điện thoại chỉ cho mục đích giáo dục hoặc y tế. Thụy Điển thậm chí cấm học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 sử dụng điện thoại cả trong giờ học và giờ nghỉ, đồng thời quay lại sử dụng sách in thay cho thiết bị kỹ thuật số.
Tại Anh, sau cuộc điều tra của Quốc hội, Bộ Giáo dục ban hành hướng dẫn khuyến khích cấm hoàn toàn điện thoại trong ngày học, kể cả trong giờ ra chơi, để tăng sự tập trung và hạn chế bắt nạt mạng.
Nhiều quốc gia khác như Bồ Đào Nha, Latvia, Thụy Sĩ, Bulgaria, Hy Lạp hay Thổ Nhĩ Kỳ cũng có các chính sách kiểm soát hoặc cấm một phần điện thoại trong trường học.
Tại Việt Nam, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cũng đang xây dựng đề xuất cấm học sinh sử dụng điện thoại trong khuôn viên trường từ năm học 2025-2026, kể cả trong giờ ra chơi.
Theo Báo cáo GEM, công nghệ chỉ nên được sử dụng trong môi trường giáo dục nếu thực sự nâng cao chất lượng học tập. Ngược lại, sử dụng sai cách sẽ gây xao nhãng, làm giảm hiệu quả học tập và ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần học sinh.
Một nghiên cứu tại 14 quốc gia cho thấy loại bỏ điện thoại khỏi lớp học giúp cải thiện thành tích học tập, đặc biệt ở nhóm học sinh có kết quả dưới trung bình. Ngoài ra, việc bắt nạt trực tuyến, chia sẻ nội dung không phù hợp, quay phim trong lớp học,... cũng là những hệ lụy thường xuyên xảy ra khi điện thoại được sử dụng thiếu kiểm soát.
Mạng xã hội bị xem là nguyên nhân góp phần suy giảm sức khỏe tâm thần ở giới trẻ. Nghiên cứu nội bộ của Facebook cho thấy 32% bé gái tuổi teen cảm thấy không hài lòng về cơ thể mình sau khi dùng Instagram. TikTok cũng nhiều lần bị chỉ trích vì đề xuất các nội dung liên quan đến rối loạn ăn uống hoặc hình thể.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ em gái bắt đầu dùng mạng xã hội từ sớm (khoảng 10 tuổi) dễ gặp các vấn đề cảm xúc và giao tiếp xã hội khi trưởng thành - một xu hướng ít rõ ràng hơn ở bé trai.
Giới chuyên gia khuyến nghị các trường học cần đồng bộ chính sách quản lý thiết bị cá nhân, kết hợp với giáo dục kỹ năng số và sức khỏe tâm thần cho học sinh. Ngoài ra, việc tầm soát tâm lý học đường, hỗ trợ tinh thần học sinh thông qua hoạt động ngoại khóa, tương tác trực tiếp… cũng là những yếu tố quan trọng để xây dựng môi trường học tập tích cực và an toàn.
Việc cấm điện thoại không phải là "hình phạt", mà là một bước đi để bảo vệ học sinh trong kỷ nguyên công nghệ phát triển quá nhanh, khi chiếc điện thoại có thể trở thành cả công cụ học tập lẫn nguyên nhân dẫn đến suy giảm sức khỏe tinh thần nếu không được sử dụng đúng cách.
Bạn có thường bắt đầu ngày mới với một ly cà phê mang đi trong cốc nhựa, hay tối về với hộp xốp đựng cơm nóng hổi? Tiện lợi là vậy, nhưng ít ai ngờ rằng, những vật dụng nhựa dùng một lần tưởng chừng vô hại này lại đang âm thầm đe dọa sức khỏe chúng ta mỗi ngày, chưa kể đến gánh nặng khổng lồ cho môi trường.