Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), riêng trong tuần qua, địa bàn ghi nhận thêm 838 ca sốt xuất huyết mới. Các khu vực ghi nhận số ca cao bao gồm TP.HCM cũ (hơn 11.000 ca), Bình Dương (cũ) gần 2.500 ca và Bà Rịa – Vũng Tàu (cũ) 862 ca.
Thống kê cũng cho thấy 6 ca tử vong do sốt xuất huyết trong thời gian qua gồm: Bình Dương (cũ) 2 ca, Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) 1 ca. Tình hình dịch được đánh giá đang diễn biến phức tạp, nhất là trong bối cảnh thời tiết ẩm ướt, thuận lợi cho muỗi vằn sinh sôi và lan truyền virus.
Các chuyên gia cảnh báo: nếu không kiểm soát hiệu quả ổ dịch và duy trì các biện pháp diệt loăng quăng thường xuyên, nguy cơ hình thành các chuỗi lây nhiễm thứ phát là rất cao. Điều này có thể tạo áp lực lớn lên hệ thống điều trị, đặc biệt tại các bệnh viện nhi và cơ sở y tế khu vực.
Theo HCDC, giai đoạn từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 8 hằng năm thường là thời điểm dịch bùng phát mạnh. Do đó, việc chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và xử lý kịp thời vẫn là chiến lược then chốt để khống chế dịch sốt xuất huyết.
Ngành y tế TP.HCM hiện đang triển khai nhiều biện pháp giám sát, xử lý ổ dịch, đánh giá điểm nguy cơ và hướng dẫn cộng đồng thực hiện phòng dịch tại hộ gia đình. Người dân được khuyến cáo:
Diệt loăng quăng bằng cách loại bỏ các vật dụng chứa nước đọng như xô, thùng, bình bông, đĩa lót chậu kiểng... hoặc thả cá bảy màu vào hòn non bộ, cây thủy sinh để kiểm soát trứng muỗi.
Đậy kín các dụng cụ chứa nước sinh hoạt, súc rửa định kỳ, không để nước tồn đọng lâu ngày.
Bảo vệ bản thân khỏi muỗi chích bằng cách ngủ mùng, dùng kem chống muỗi, vợt muỗi, xịt côn trùng,...
Phối hợp với cơ quan y tế trong các đợt phun hóa chất và chiến dịch diệt loăng quăng.
Phản ánh các điểm nguy cơ lên ứng dụng “Y tế trực tuyến” để được xử lý kịp thời.
Không tự ý điều trị tại nhà nếu có biểu hiện sốt. Cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị đúng cách.
Dịch sốt xuất huyết không thể xem nhẹ, nhất là trong điều kiện thời tiết hiện tại. Mỗi cá nhân và gia đình cần chủ động phòng ngừa để giảm thiểu rủi ro và chung tay bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Bạn có thường bắt đầu ngày mới với một ly cà phê mang đi trong cốc nhựa, hay tối về với hộp xốp đựng cơm nóng hổi? Tiện lợi là vậy, nhưng ít ai ngờ rằng, những vật dụng nhựa dùng một lần tưởng chừng vô hại này lại đang âm thầm đe dọa sức khỏe chúng ta mỗi ngày, chưa kể đến gánh nặng khổng lồ cho môi trường.