Du lịch trong mắt Gen Z không giống thế hệ trước. Với họ, mỗi chuyến đi là một "dự án nội dung" để sáng tạo, chia sẻ, ghi nhớ và khám phá chính mình.
Theo khảo sát của Outbox Consulting (2025), 72% Gen Z Việt Nam chọn điểm đến dựa trên khả năng “truyền cảm hứng cá nhân”, chứ không đơn thuần vì đẹp hay nổi tiếng. Những nơi ít người biết đến, có tính hoang sơ, không gian thiên nhiên hoặc gắn với yếu tố văn hóa bản địa luôn nằm trong danh sách ưu tiên.
Không giống thế hệ Millennials thường đặt tour theo nhóm, Gen Z lại ưa thích tự lên kế hoạch, tự di chuyển và linh hoạt giờ giấc. Một chuyến đi với họ thường bao gồm: trải nghiệm thực tế (leo núi, trồng cây, học làm đồ thủ công), ghi lại hành trình qua video, và đăng tải trên mạng xã hội với cảm nhận riêng biệt.
tour săn mây luôn được GenZ yêu thích
Bạn trẻ Nguyễn Hồng Minh (23 tuổi) chia sẻ: “Em không thích đi tour sắp sẵn. Em thích kiểu ‘đi lạc’, được khám phá, gặp người lạ, nói chuyện thật. Những trải nghiệm như cắm trại trên đồi, dậy sớm săn mây, hoặc ăn món địa phương lạ lẫm… mới làm em nhớ.”
Điều này tạo ra thách thức lớn cho ngành du lịch: phải thiết kế dịch vụ theo hướng cá nhân hóa, linh hoạt và gần gũi. Các nền tảng như Airbnb, Couchsurfing, homestay địa phương, hoặc tour riêng 1:1 đang trở nên phổ biến hơn.
Ngoài ra, Gen Z quan tâm đến yếu tố bền vững: không dùng nhựa, hỗ trợ người dân bản địa, đi du lịch không để lại rác thải hay dấu chân tiêu cực. Điều này đòi hỏi các đơn vị kinh doanh không chỉ cung cấp dịch vụ, mà còn có trách nhiệm truyền cảm hứng, giáo dục và cam kết xã hội.
Không chỉ cạnh tranh trong thu hút khách, Việt Nam đang đối mặt áp lực trong việc giữ chân du khách quay lại. Khi Thái Lan, Indonesia đẩy mạnh chiến lược trải nghiệm và thị thực mở rộng, Việt Nam cần đổi mới mạnh mẽ trong cách “kể chuyện” du lịch.