Thế hệ trẻ châu Phi và hành trình đưa blockchain vào đời sống thực tiễn

01/07/2025, 16:21
Khi phương Tây còn tranh cãi về tiền mã hóa, giới trẻ châu Phi đã âm thầm ứng dụng blockchain để đối mặt với đồng nội tệ mất giá và thiếu hụt hạ tầng.
Thế hệ trẻ châu Phi và hành trình đưa blockchain vào đời sống thực tiễn
Ảnh minh hoạ.

Theo Imani - chuyên gia đầu tư tại StarkWare’s Africa Ventures, việc ứng dụng blockchain tại châu Phi bắt đầu không phải từ các startup hay quỹ đầu tư, mà từ sinh viên và người lao động tự do. Họ không sử dụng tiền mã hóa để giao dịch hay đầu cơ, mà xem nó như một kênh để giữ giá trị thay cho đồng nội tệ thiếu ổn định.

Tại Kenya hay Nigeria, sinh viên thường được nhận tiền học bổng từ nước ngoài, còn người lao động tự do (freelancer) thì được trả lương bằng đồng Đô la Mỹ (USD). Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang nội tệ lại không dễ dàng vì hệ thống tài chính còn hạn chế và niềm tin vào các tổ chức trung ương suy giảm.

Để bảo toàn giá trị, nhiều người trẻ đã lựa chọn lưu trữ tài sản bằng stablecoin, một phương án an toàn và ít biến động hơn. Chính lựa chọn này đã mở đường cho blockchain trở thành giải pháp thay thế tự nhiên, được thế hệ học sinh, sinh viên đón nhận từ rất sớm, trước cả khi công nghệ này bước vào xu hướng chính thống.

Mặc dù chính phủ chưa xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng, nhưng cộng đồng đã chủ động tạo ra hệ sinh thái giao dịch tài chính ngang hàng, sử dụng blockchain để đảm bảo tính minh bạch và phi tập trung, thay thế vai trò của ngân hàng truyền thống.

Tuy nhiên ứng dụng blockchain tại châu Phi không chỉ dừng ở tài chính. Tại Zambia, một trạm thủy điện nhỏ vốn dư thừa công suất đã được chuyển đổi để khai thác Bitcoin, tạo thu nhập cho người dân và tận dụng năng lượng hiệu quả.

Trong lĩnh vực mạng lưới kết nối, nhiều khu vực nông thôn đang triển khai mạng Wi-Fi phi tập trung. Nơi người dân chia sẻ băng thông và được trả công minh bạch nhờ hợp đồng thông minh trên blockchain, mà không phải thông qua nhà mạng trung gian.

Những mô hình này cho thấy blockchain không chỉ là công nghệ, mà là nền tảng giúp xây dựng cộng đồng tự chủ, bền vững và công bằng hơn.

Dù nhu cầu đã rõ và công nghệ không còn là rào cản, nhưng nhiều chính phủ châu Phi vẫn thận trọng trong việc ban hành khung pháp lý, do lo ngại về rủi ro với người tiêu dùng. Thứ còn thiếu không phải là giải pháp, mà là một chiếc cầu nối đủ vững, để đưa blockchain vào đời sống một cách hiệu quả, hài hòa giữa sáng kiến từ cộng đồng và sự hậu thuẫn từ nhà nước.

Bình luận (0)

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Ngày 06/07, điều khoản “lệnh tạm hoãn AI” chính thức bị “khai tử” khỏi dự luật Big Beautiful Bill, với số phiếu áp đảo 99-1 từ thượng viện Mỹ. Điều này đã chấm dứt nỗ lực hạn chế quyền lập pháp của các tiểu bang về AI - một động thái từng khiến chính giới và Thung lũng Silicon chia rẽ sâu sắc.