AI - Nhân tố trọng tâm trong chuyển đổi số y tế khu vực
Kéo dài trong ba ngày tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Quốc tế Malaysia (MITEC), International Healthcare Week (IHW) 2025 quy tụ hơn 900 gian triển lãm, 21.000 chuyên gia y tế và khách tham dự từ hơn 50 quốc gia. Sự kiện không chỉ giới thiệu hơn 15.000 sản phẩm, công nghệ, dịch vụ y tế hiện đại, mà còn khẳng định vai trò tiên phong của khu vực ASEAN, trong đó nổi bật là Malaysia, trong cuộc cách mạng số hoá y tế toàn cầu.
Trong hệ sinh thái sự kiện, HIMSS25 APAC nổi bật với vai trò trung tâm về công nghệ số hóa và ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Hơn 16.000 lượt tham dự đã tập trung vào loạt diễn đàn chuyên sâu về chuyển đổi số hệ thống y tế, an ninh dữ liệu, AI và sức khỏe cộng đồng, khẳng định AI đang trở thành “nhân tố then chốt” để định hình hệ thống y tế thông minh, linh hoạt và bền vững.
Theo Bộ trưởng Y tế Malaysia Dzulkefly Ahmad, việc ứng dụng AI và công nghệ số hóa không chỉ giúp hệ thống y tế vận hành hiệu quả hơn, mà còn góp phần quan trọng trong việc giải quyết các thách thức về nhân lực, chi phí và khả năng tiếp cận y tế công bằng cho mọi tầng lớp trong xã hội.
Tại HIMSS25 APAC, các chuyên gia đồng thuận rằng AI đang tạo ra bước ngoặt cho mô hình Population Health Management (PHM) – quản lý sức khỏe cộng đồng dựa trên dữ liệu. Báo cáo chuyên sâu của Black Book 2025 dự báo, khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ chiếm tới 1/3 thị phần toàn cầu về PHM, với quy mô lên tới 90 tỷ USD vào năm 2031.
Việc tích hợp AI vào các nền tảng PHM giúp phân tích xu hướng bệnh tật, dự báo nguy cơ, từ đó xây dựng hệ thống y tế dự phòng hiệu quả hơn. Điều này đặc biệt quan trọng tại ASEAN, nơi nhiều quốc gia vẫn đang đối mặt với thách thức về dân số già hóa, bệnh mãn tính gia tăng, và bất bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ y tế.
AI - Lời giải cho những điểm nghẽn trong hệ thống y tế hiện tại
Một trong những điểm nhấn của IHW 2025 chính là loạt giải pháp AI nhắm vào các “nút thắt” cố hữu trong ngành y tế hiện nay: thiếu hụt nhân lực, quá tải quy trình, và lãng phí nguồn lực. Theo Báo cáo Philips Future Health Index 2025, nhân viên y tế trung bình mất tới 45 phút mỗi ca trực chỉ để xử lý các dữ liệu không hoàn chỉnh. AI đang giúp giảm tải quy trình hành chính, tự động hoá việc ghi chú, quản lý hồ sơ bệnh án, từ đó trả lại thời gian cho đội ngũ y tế tập trung vào chuyên môn.
Không dừng lại ở đó, AI còn hỗ trợ nâng cao hiệu quả lâm sàng, từ khâu chẩn đoán sớm, phân loại bệnh nhân (triage) tới xây dựng phác đồ điều trị cá thể hoá nhờ phân tích dữ liệu lớn, y học hệ gene, hình ảnh học y tế... Những mô hình AI này được kỳ vọng sẽ giúp giảm đáng kể tỷ lệ nhập viện trở lại, tiết kiệm chi phí và gia tăng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng.
Đạo đức và niềm tin – Bước đệm để AI y tế bứt phá
Dù tiềm năng rõ rệt, AI trong y tế vẫn đối mặt với rào cản về niềm tin và đạo đức. Theo khảo sát của Philips, chỉ 38% nhân viên y tế tin tưởng AI có thể đáp ứng nhu cầu thực tế, trong khi bệnh nhân lo ngại các vấn đề về bảo mật, độ chính xác và trách nhiệm pháp lý khi xảy ra sai sót.
Tại HIMSS25 APAC, các chuyên gia nhấn mạnh nguyên tắc FUTURE-AI gồm: Công bằng, Phổ quát, Minh bạch, Dễ sử dụng, Ổn định và Có khả năng giải thích. Đây được coi là khung tham chiếu cần thiết để đảm bảo AI y tế không chỉ hiệu quả, mà còn mang lại niềm tin bền vững từ người sử dụng. Bên cạnh đó, các quy chuẩn quốc tế như TRIPOD-AI, CONSORT-AI, DECIDE-AI cũng được đề xuất áp dụng rộng rãi nhằm chuẩn hóa quy trình nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI trong môi trường y tế.
Bức tranh khu vực và cơ hội cho Việt Nam
Malaysia, với vai trò Chủ tịch ASEAN 2025, đang khẳng định vị thế trung tâm kết nối của khu vực khi thu hút lượng lớn đầu tư vào lĩnh vực y tế – công nghệ, với hơn 500 triệu USD chỉ trong năm 2024. Cùng với Singapore, Thái Lan, Indonesia, các mô hình bệnh viện thông minh, hồ sơ sức khỏe điện tử (EMR) tích hợp AI, hệ thống dự báo dịch bệnh đang dần trở thành tiêu chuẩn mới.
Đối với Việt Nam, sự kiện IHW 2025 mang đến nhiều bài học giá trị. TP.HCM đã và đang triển khai lộ trình “Smart Healthcare” giai đoạn 2021–2025 với mục tiêu số hoá toàn diện hệ thống y tế, áp dụng AI trong quản lý bệnh viện, chẩn đoán ung thư, và điều trị từ xa. Các doanh nghiệp công nghệ lớn như FPT, Viettel, Vingroup cũng đang tích cực tham gia xây dựng hệ sinh thái y tế thông minh, hợp tác với đối tác quốc tế để rút ngắn khoảng cách so với khu vực.
Với nền tảng hơn 1 triệu lập trình viên công nghệ, cùng sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ chính sách (Nghị quyết 57, 59, 66…), Việt Nam được kỳ vọng sẽ là điểm sáng tiếp theo của ASEAN trong hành trình chuyển đổi số y tế lấy AI làm trụ cột.
Không chỉ dừng ở lý thuyết, tại IHW 2025, nhiều mô hình ứng dụng AI đã chứng minh tính khả thi trong thực tiễn. Từ hệ thống Heidi Health (Úc) – AI hỗ trợ bác sĩ ghi chép tự động, tới Vertex AI Search (Mỹ) giúp tổng hợp dữ liệu bệnh nhân hiệu quả, hay ValueCare MICA (Anh) – đồng hồ AI chăm sóc sức khỏe tại nhà. Những công nghệ này không chỉ giúp tối ưu hoá nguồn lực, mà còn mở ra khả năng đưa y tế chất lượng cao tới gần hơn người dân, đặc biệt ở các khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Đây chính là hướng đi Việt Nam có thể học hỏi, khi vẫn còn nhiều thách thức trong việc phổ cập y tế chất lượng, giảm tải bệnh viện tuyến trên và nâng cao dịch vụ y tế cộng đồng.
Khởi đầu cho một giai đoạn mới
International Healthcare Week 2025 khép lại với nhiều thỏa thuận hợp tác, đầu tư, chuyển giao công nghệ, nhưng điều đọng lại sâu sắc hơn cả là niềm tin vào tương lai: Một hệ thống y tế không còn gói gọn trong những bệnh viện đông đúc, mà mở rộng ra cộng đồng, lấy dữ liệu làm lõi, AI làm động lực, và con người làm trung tâm.
Để điều đó thành hiện thực, AI cần được áp dụng một cách khôn ngoan, có đạo đức và minh bạch. Quan trọng hơn, các quốc gia như Việt Nam cần sớm xác lập chiến lược bài bản để không chỉ “đón nhận” công nghệ, mà còn chủ động tham gia kiến tạo chuẩn mực mới cho y tế khu vực và thế giới trong kỷ nguyên số.
Chủ đề năm 2025 sẽ xoay quanh việc “giải phóng tiềm năng – tăng tốc tương lai” nhờ vào việc ứng dụng kết hợp giữa AI và đổi mới sáng tạo dành cho các nhà khởi nghiệp, doanh nghiệp