Điều khoản “lệnh tạm hoãn AI”, do Thượng nghị sĩ Cộng hòa Ted Cruz đề xuất, từng yêu cầu các tiểu bang tạm ngừng ban hành luật điều tiết AI trong vòng 10 năm. Mục tiêu tạo không gian pháp lý thống nhất để thúc đẩy đổi mới công nghệ trên toàn quốc. Điều khoản còn ràng buộc việc nhận các khoản tài trợ liên bang, bao gồm 42 tỷ USD từ quỹ băng thông rộng BEAD, với việc tuân thủ lệnh này.
Tuy nhiên, ý tưởng này ngay lập tức vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ cả hai phía lưỡng đảng. Nhiều Thượng nghị sĩ lo ngại rằng lệnh cấm sẽ tước đoạt quyền quản lý của các tiểu bang, trao quá nhiều quyền lực cho các “ông lớn công nghệ” và gây hại đến người tiêu dùng.
Nhiều nhà giám đốc điều hành nổi tiếng của Thung lũng Silicon, bao gồm Sam Altman (OpenAI), Palmer Luckey (Anduril) và Marc Andreessen (a16z), đều lên tiếng ủng hộ điều khoản này. Họ cho rằng các luật lệ khác nhau giữa các bang sẽ tạo ra một “mê cung pháp lý”, cản trở đổi mới và khiến Mỹ tụt hậu trong cuộc đua AI toàn cầu.
Tuy nhiên, hầu hết đảng viên Dân chủ và nhiều đảng viên Cộng hòa, các nhóm vận động xã hội, hiệp hội giáo dục, bảo vệ trẻ em và quyền tác giả, như Common Sense Media và Electronic Frontier Foundation, đều phản đối mạnh mẽ. Họ cảnh báo rằng lệnh này sẽ khiến các công ty AI hoạt động không bị giám sát, đặc biệt là trong các lĩnh vực nhạy cảm như deepfake, dữ liệu sinh trắc học, hay AI dành cho trẻ em.
Sau nhiều tranh luận, Thượng nghị sĩ Marsha Blackburn (Cộng hòa, Tennessee) - người từng đề xuất rút ngắn lệnh từ 10 năm xuống còn 5 năm - đã cùng Thượng nghị sĩ Maria Cantwell (Dân chủ, Washington) đề xuất sửa đổi để xóa bỏ hoàn toàn điều khoản. Kết quả, Thượng viện bỏ phiếu với tỷ lệ áp đảo 99-1, chỉ duy nhất Thượng nghị sĩ Thom Tillis giữ quan điểm ủng hộ lệnh cấm.
Bên cạnh đó,lại cảnh báo rằng lệnh cấm quy định của tiểu bang sẽ gây hại cho người tiêu dùng và để các công ty AI hùng mạnh hoạt động với ít sự giám sát. Những người chỉ trích cũng phản đối kế hoạch của ông Cruz nhằm ràng buộc việc tuân thủ với nguồn tài trợ băng thông rộng liên bang.
Việc xóa bỏ điều khoản được xem là chiến thắng lớn cho quyền lập pháp tiểu bang và cho thấy một lần nữa sức mạnh của phản đối lưỡng đảng khi quyền lợi công dân và sự giám sát công nghệ bị đe dọa.
“Big Beautiful Bill” là tên gọi không chính thức của dự luật ngân sách do phe Cộng hòa khởi xướng. Ngoài AI, dự luật còn đề cập đến nhiều vấn đề như cắt giảm chi tiêu y tế, kiểm soát biên giới, năng lượng truyền thống, và các chính sách thuế.
Đáng chú ý, dự luật này cũng khiến mối quan hệ giữa cựu Tổng thống Donald Trump và Elon Musk trở nên căng thẳng. Trump được cho là không hài lòng khi Musk không công khai ủng hộ dự luật, và đã đe dọa cắt giảm các khoản trợ cấp liên bang dành cho các công ty công nghệ mà Musk đang dẫn đầu như Tesla và SpaceX.
Với việc loại bỏ lệnh cấm cấp tiểu bang, các bang như California, New York hay Colorado có thể tiếp tục triển khai các đạo luật riêng về AI - từ đạo luật kiểm soát deepfake, đến các yêu cầu minh bạch thuật toán và bảo vệ dữ liệu người dùng.
Dù vậy, nhiều chuyên gia cảnh báo rằng nếu không có một khung pháp lý liên bang rõ ràng, thị trường AI Mỹ có thể trở nên rối loạn. Các dự luật như “Kids Online Safety Act” hay luật về kiểm soát AI cấp liên bang hiện đang được xúc tiến và có thể trở thành tâm điểm lập pháp trong nửa cuối năm 2025.
Khi phương Tây còn tranh cãi về tiền mã hóa, giới trẻ châu Phi đã âm thầm ứng dụng blockchain để đối mặt với đồng nội tệ mất giá và thiếu hụt hạ tầng.