Theo báo cáo mới đây của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Blockchain và trí tuệ nhân tạo (AI) đang tạo ra bước chuyển mình lớn cho thị trường hạ tầng phi tập trung vật lý (DEPIN). Hai công nghệ này có thể góp phần đẩy mạnh quy mô thị tường DEPIN đạt mốc 3,5 nghìn tỷ USD trong 3 năm tới.
Hiện tại, thị trường toàn cầu ghi nhận hơn 1.500 dự án DePIN đang hoạt động, với tổng vốn hóa dao động trong khoảng 30 - 50 tỷ USD. Sự đa dạng hóa các dạng hạ tầng, như mạng lưới viễn thông phi tập trung, AI vật lý phi tập trung (DePAI) và thiết bị IoT tập trung vào dữ liệu, chính là chất xúc tác quan trọng thúc đẩy mở rộng không gian này, gia tăng tính khả dụng và bảo mật cho nền kinh tế kỹ thuật số. Đồng thời, đánh dấu "sự thay đổi cơ bản" trong tương tác giữa tác nhân AI với cơ sở hạ tầng vật lý và dữ liệu bên ngoài.
Đáng chú ý, báo cáo còn nhấn mạnh vai trò của AI vật lý phi tập trung (DePAI). Không giống như các mô hình tập trung, DePAI sử dụng mạng lưới phi tập trung, cho phép người dùng tham gia trực tiếp vào quy trình máy học (ML) thông qua các giao thức phân quyền, tận dụng tài nguyên máy tính nhàn rỗi vào đào tạo dữ liệu và xây dựng mô hình AI, tạo ra hệ sinh thái kỹ thuật số mới với tính minh bạch và hiệu suất vượt trội.
Được biết, DePIN là mô hình hạ tầng vật lý được xây dựng và vận hành bởi cộng đồng thông qua công nghệ blockchain. Thay vì các công ty lớn kiểm soát, DePIN cho phép bất kỳ ai cũng có thể đóng góp tài nguyên (như thiết bị IoT, điểm Wi-Fi, trạm sạc, cảm biến…) và nhận lại phần thưởng.
DePIN hiện đang mở ra hướng phát triển mới cho các lĩnh vực như mạng không dây (ví dụ Helium), lưu trữ dữ liệu (Arweave), điện năng, hay bản đồ số (Hivemapper), giúp xây dựng hệ thống hạ tầng phân quyền, minh bạch và có khả năng mở rộng toàn cầu.
Các chuyên gia nhận định, nhu cầu kết nối phần cứng không dây phi tập trung và sự trỗi dậy của các giao thức mạng không độc quyền sẽ là bàn đạp để sinh ra các doanh nghiệp nghìn tỷ USD tiếp theo trong lĩnh vực DePIN. Đây được xem là bước tiến quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, gia tăng mức độ tự do và quyền kiểm soát dữ liệu của người dùng trên toàn cầu.
Ngày 06/07, điều khoản “lệnh tạm hoãn AI” chính thức bị “khai tử” khỏi dự luật Big Beautiful Bill, với số phiếu áp đảo 99-1 từ thượng viện Mỹ. Điều này đã chấm dứt nỗ lực hạn chế quyền lập pháp của các tiểu bang về AI - một động thái từng khiến chính giới và Thung lũng Silicon chia rẽ sâu sắc.